4/6/2019 10:00:14 AM bởi Luật Nguyễn Bun
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Công ty Luật Nguyễn Bun. Nội dung câu hỏi của bạn đã được chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
1. Cơ sở pháp lý
- Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014
- Nghị định 143/2018/ NĐ-CP ngày 01/12/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật bảo hiểm xã hội và Luật an toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam
2. Nội dung tư vấn
Luật Bảo Hiểm Xã Hội năm 2014 quy định như sau: Kể từ ngày 1/1/2018, Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính Phủ.
Ngày 1/12/2018 143/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật bảo hiểm xã hội và Luật an toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam có hiệu lực quy định cụ thể hơn về vấn đề này. Theo đó:
Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
+ Có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp;
+ Có Hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.
Các trường hợp người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam nhưng không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:
- Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam (Người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam, di chuyển tạm thời trong nội bộ doanh nghiệp sang hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam và đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng);
- Người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 187 của Bộ luật Lao động[1]
Lưu ý: Trong trường hợp người lao động giao kết nhiều hợp đồng lao động với người sử dụng lao động khác nhau và thuộc diện đóng BHXH bắt buộc thì người lao động chỉ đóng BHXH đối với hợp đồng lao động giao kết đầu tiên; người sử dụng lao động phải đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo từng hợp đồng lao động đã giao kết.
Mức đóng bảo hiểm xã hội đối với công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Thời điểm đóng |
Người sử dụng lao động |
Người lao động |
||
|
Quỹ ốm đau và thai sản |
Qũy bảo hiểm TNLĐ, BNN |
Qũy hưu trí và tử tuất |
Qũy hưu trí và tử tuất |
Từ 1/12/2018 |
3% |
0,5% |
0 |
0 |
Từ 1/1/2022 |
3% |
0,5% |
14% |
8% |
Thủ tục hồ sơ
- Đối với người lao động làm: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT theo mẫu TK1-TS quyết định 888 QĐ-BHXH
- Đối với người sử dụng lao động làm: Tờ khai đơn vị tham gia, điều chỉnh BHXH, BHYT theo mẫu TK3-TS quyết định 595 QĐ-BHXH
- Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN theo mẫu D02-TS quyết định 595 QĐ-BHXH
Lưu ý: Từ 01/12/2018 cơ quan BHXH sẽ chuyển tất cả người nước ngoài đang tham gia BHYT tại mã BW sang mã IC để tham gia BHXH, BHYT.
Trường hợp người nước ngoài thuộc điểm 1.2 Khoản 1 nêu trên thì đơn vị lập hồ sơ giao dịch điện tử phiếu giao nhận hồ sơ 600 để giảm mã IC và phiếu giao nhận hồ sơ 603 để tăng lại vào mã BW.
- Đơn vị thực hiện kê khai hồ sơ, thủ tục theo quy định hiện hành với mã đơn vị tham gia được chuyển đổi từ mã BW sang IC.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật Nguyễn Bun về vấn đề tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ số điện thoại: 098765.2458 hoặc gửi mail về địa chỉ: Luatsubun@gmail.com để được giải đáp.
[1] Điều 187. Tuổi nghỉ hưu
1. Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.
2. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 năm so với quy định tại khoản 1 Điều này.
4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 và khoản 3 Điều này.